GÁC LẠI VIỆC RIÊNG ĐỂ CHIẾN THẮNG DỊCH BỆNH COVID-19
Những ngày đầu tháng 05/2021, Thái Bình phát hiện 05 trường đầu tiên dương tính với COVIDD-19 tại cộng đồng. Đó là những ngày truy vết, xét nghiệm đầy căng thẳng và áp lực nhất với đội ngũ cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Thái Bình khi trước đó họ đã, đang dồn sức vào việc truy vết, xét nghiệm các trường hợp liên quan đến ca bệnh COVID-19 của tỉnh Hưng Yên (BN 2913) sang lễ hội tại cụm Đền Tiên La (huyện Hưng Hà).
01h40 phút, rạng sáng ngày 06/5/2021, đồng chí Giám đốc CDC Thái Bình cùng đội cơ động phản ứng nhanh của Trung tâm có mặt tại UBND xã Bình Minh, huyện Kiến Xương cùng triển khai nhanh các hoạt động phòng, chống dịch, truy vết, khoanh vùng, tiến hành phong tỏa thôn Hưng Đạo ngay trong đêm khi ghi nhận 01 ca dương tính. Cùng ngày, 04 thôn khác ở huyện Thái Thụy, Vũ Thư cùng khoanh vùng phong tỏa do liên quan đến các ca dương tính với COVID-19.
Bác sỹ Đặng Quang Huy - Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, CDC Thái Bình chia sẻ: “Từ cuối tháng 4/2021 đến nay chúng tôi làm việc không có ngày nghỉ, trực 24/24 giờ sẵn sàng đáp ứng những tình huống khẩn cấp. Nhiều hôm nửa đêm, vừa mới thiu thiu ngủ, nhận cuộc gọi khẩn cấp, cả Đội phản ứng nhanh lại lên đường xử lý tình huống và đến các địa phương có ca nghi ngờ triển khai phương án ngay trong đêm, phối hợp triển khai công tác truy vết liên tục, không cho phép chậm trễ một giây phút nào”.
Quả thực, đội ngũ cán bộ y tế luôn là người tiên phong đi vào vùng dịch, tiếp xúc trực tiếp với những trường hợp có nguy cơ nhiễm bệnh để thực hiện công việc điều tra, truy vết. Đối với những cán bộ trong tuyến đầu chống dịch, khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm thì việc buông bát cơm ăn dở để đi thực hiện nhiệm vụ điều tra, truy vết F1, F2 đã không còn xa lạ, họ đều phải làm việc với cường độ liên tục, gấp 4, 5 lần so với những ngày thường, những vất vả, khó khăn khó có thể diễn tả hết. Nhưng với họ, đó là trách nhiệm nghề nghiệp, là mệnh lệnh từ trái tim nên lúc nào cũng phải "thần tốc" để quản lý, cách ly, kiểm soát kịp thời ca bệnh... Mọi việc cứ đến một cách dồn dập, chưa truy vết xong mối nguy này đã đến yếu tố nguy cơ khác. Quyết không bỏ sót các trường hợp liên quan và chỉ trong một thời gian ngắn, hệ thống y tế toàn tỉnh Thái Bình đã phối hợp với chính quyền địa phương đã quản lý, theo dõi, cách ly hơn 4.000 trường hợp liên quan đến Cụm đền Tiên La, gần 2.000 trường hợp liên quan đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung Ương, cơ sở 2 và Bệnh viện K, cơ sở Tân Triều, gần 5.000 trường hợp nguy cơ liên quan đến các ca bệnh COVID-19 khác về Thái Bình …
Cũng như bác sỹ Đặng Quang Huy, thời điểm này, thạc sỹ PhạmThị Thu Hà - Trưởng khoa Xét nghiệm – CĐHA (CDC Thái Bình) cùng cán bộ Khoa đang nỗ lực làm việc liên tục suốt ngày, đêm để kịp trả kết quả xét nghiệm cho hàng nghìn đối tượng nguy cơ. Trải qua rất nhiều lần chống dịch nhưng chưa bao giờ chị Hà thấy công việc lại áp lực như trong đợt dịch bệnh COVID-19 lần này. Mọi hoạt động đều đẩy lên cao độ, khẩn trương.
“Cán bộ lao vào làm, khi máy còn chạy thì không ai ngừng làm. Nhiều cán bộ làm cả tuần không kịp về nhà. Ngày, đêm cuốn vào guồng quay của công việc, không ai ngơi tay, gác lại mọi việc riêng, tất cả cán bộ của khoa chung tay vì cộng đồng.Trong môi trường làm việc tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro lây nhiễm song chúng tôi luôn luôn cố gắng động viên nhau hoàn thành tốt công việc, vì nghề y là nghề mà chúng tôi đã lựa chọn. Nhất là hiện nay,chúng tôi nhận thấy nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 lại là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, yêu cầu khẩn trương, kịp thời, chính xác, vừa vì sự bình yên của mọi gia đình, cộng đồng và vì bản thân chúng tôi muốn được sớm trở về nhà sum vầy cùng gia đình sau khi hết giờ làm việc như trước kia”- Chị Hà chia sẻ.
Luôn thường trực, sát cánh và sẵn sàng hỗ trợ địa phương, để khoanh vùng, ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh lây lan, những “chiến sĩ áo trắng” luôn trong tình trạng “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”.Bác sỹ Phạm Thị Mận ( Khoa Xét nghiệm- CĐHA, CDC Thái Bình) cho biết: Mặc trên mình bộ quần áo bảo hộ kín mít giữa thời tiết hè oi bức khiến mồ hôi vã ra như tắm, miệng khô khốc nhưng do đặc thù công việc, chúng tôi không thể dừng lại uống nước. Việc lấy mẫu vô cùng khó khăn, nguy cơ phơi nhiễm cao nên chúng tôi luôn đảm bảo nghiêm ngặt đúng quy trình, quy định trong các khâu lấy mẫu, làm xét nghiệm,không để rủi ro xảy ra và cố gắng hoàn thành tốt nhất công việc. Có hôm, làm xong xét nghiệm thì trời đã rạng sáng, nhưng lại nhận được lệnh có ca phải lấy mẫu khẩn, chúng tôi không kịp nghỉ ngơi, lại tiếp tục lên đường”.
Giống như bao người khác, bên cạnh họ - mỗi nhân viên xét nghiệm còn có người thân và gia đình. Họ luôn mong muốn có được những giây phút bình yên, sum vầy, luôn mong muốn một giấc ngủ say sau những ngày làm việc căng thẳng. Nhưng gác lại tất cả, họ vẫn ngày đêm làm việc cần mẫn trong phòng xét nghiệm, cho kết quả sớm nhất và chính xác, để có cơ sở cho công tác truy vết thần tốc các đối tượng nguy cơ và truyền thông kịp thòi, đóng góp một phần công sức cho cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.
Đã 10h sáng, sau 12 tiếng mặc quần áo bảo hộ làm trong phòng xét nghiệm, CN Xét nghiệm Phạm Thị Dung mới bắt đầu ăn bữa sáng, chị cho biết: Đa phần chúng tôi làm việc liên tục từ 8-12 tiếng/ca trong phòng xét nghiệm, tiếp xúc với hàng trăm, hàng nghìn mẫu bệnh phẩm và trong đó có không ít những mẫu chứa mầm bệnh nên đòi hỏi họ vừa tỉ mỉ, thận trọng vừa tập trung cao độ, không chậm trễ nhưng không để sai sót xảy ra. Công việc chưa xong thì chưa ăn, bữa sáng thường quá trưa và bữa trưa thì vào lúc 14h. Con cái phó mặc cho ông bà và chồng chăm sóc.
Với sự nỗ lực của toàn thể cán bộ, kỹ thuật viện xét nghiệm, công xuất xét nghiệm COVID-19tại CDC Thái Bình đã nâng lên từ 2.000-3.000 mẫu/ngày, góp phần truy vết thần tốc, khoanh vùng, cách ly nhanh, điều trị kịp thời và kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn, nguồn lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Chỉ tính riêng từ ngày 29/4/2021 đến ngày 19/5/2021, hệ thống xét nghiệm đã triển khai được trên 25 nghìn mẫu, ghi nhận 17 mẫu dương tính với COVID-19 đưa vào cách ly, điều trị kịp thời tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, không để dịch lây lan ra cộng đồng.
Có tận mắt chứng kiến công việc bộn bề của những “chiến sỹ áo trắng” mới thấu hiểu hết nỗi gian truân, sự hy sinh cống hiến của họ. Chỗ có dịch bệnh là nơi mọi người phải tránh xa, còn cán bộ y tế thì phải xông vào, với quyết tâm chiến thắng dịch bệnh.
Màn đêm buông xuống, dần chìm vào giây phút bình yên, nhưng nhiều căn phòng của CDC Thái Bình vẫn sáng đèn, những giọt mồ hôi vẫn thấm đẫm bên trong bộ quần áo bảo hộ nhưng tất cả họ vẫn miệt mài với công việc, gác lại gia đình và mọi việc riêng để bảo vệ sự bình an của nhân dân trước sự hoành hành của đại dịch COVID-19.
Sự hy sinh thầm lặng của những chiến sỹ nơi tuyến đầu chống dịch càng có ý nghĩa hơn khi tất cả mọi người dân hợp tác, chia sẻ, ủng hộ và đồng hành./.
Bài&ảnh:Hoàng Thía