Một số nội dung tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh COVID-19
Bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV hay Covid- 19 hay SARS-CoV-2) xuất hiện tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc vào tháng 12 năm 2019, đến nay dịch đã lan rộng ra trên 222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam. Đợt dịch thứ 4 đã bùng phát ở nước ta từ ngày 27/4/2021 tại Bắc Giang, Bắc Ninh, Đà Nẵng, một số tỉnh phía Nam, lan rộng ra hầu hết các tỉnh trên toàn quốc, trong đó có Thái Bình. Tỉnh Thái Bình sau gần 02 năm kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, hiện nay đã xuất hiện nhiều ca bệnh trên địa bàn tỉnh. Riêng từ ngày 10/11/2021 đến 21/11/2021, số ca mắc COVID-19 mới tại tỉnh là 802 ca, trong đó 139 ca bệnh cộng đồng, còn lại là các ca bệnh ở trong các Khu cách ly phong toả, cơ sở y tế.
Phần 1. Những yếu tố nguy hiểm và nguy cơ lây nhiễm rất cao của virus SARS-CoV-2 chủng mới hiện nay
1. Bệnh viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2 (COVID-19): Là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm A, đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao. Đến nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, các biện pháp phòng bệnh chủ yếu dựa vào biện pháp 5 K, vắc xin và nâng cao ý thức của mỗi người dân về chủ động phòng, chống dịch bệnh.
2. Hiện nay, đã phát hiện biến thể của SARS-CoV-2 tại Việt Nam
Theo Bộ Y tế, hiện nay, đã phát hiện biến thể của SARS-CoV-2 tại Việt Nam là biến thể Delta Plus, Lambda và một số biến thể khác. Trong khi virus Corona phiên bản gốc cần đến 07 ngày để gây ra triệu chứng thì Delta và 1 số biến thể khác có thể gây triệu chứng nhanh hơn từ 2 đến 3 ngày, khiến hệ thống miễn dịch có ít thời gian phản ứng và phòng vệ, vì thế dịch bệnh lây lan nhanh hơn.
3. Đường lây truyền, thời gian ủ bệnh COVID-19
- Bệnh lây truyền từ người sang người chủ yếu qua giọt bắn đường hô hấp, qua các giọt nước bọt hay dịch tiết mũi họng khi người bệnh ho, hắt hơi, hoặc lây qua tiếp xúc với một số đồ vật có chứa vi rus rồi qua bàn tay đưa lên mắt, mũi, miệng.
- Thời gian ủ bệnh từ 02 đến 14 ngày, cá biệt có thể dài hơn. Người mang virus SARS-CoV-2 có khả năng truyền vi rus cho những người xung quanh.
- Khi tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm bệnh COVID-19, đặc biệt ở những nơi tập trung đông người sẽ tạo điều kiện cho vi rus lây lan.
4. Cách xác định ca bệnh COVID-19
Cách xác định ca bệnh (F0) và các trường hợp tiếp xúc gần (F1, F2, F3): thực hiện theo QĐ số 2008/QĐ-BYT ngày 26/4/2021 của Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 như sau:
- Ca bệnh xác định (F0): Là ca bệnh nghi ngờ hoặc bất cứ người nào có xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 được thực hiện bởi các cơ sở xét nghiệm do Bộ Y tế cho phép khẳng định. Biểu hiện: sốt, ho, đau rát họng, khó thở, có trường hợp viêm phổi. Nếu viêm phổi nặng có thể gây suy hô hấp cấp và tử vong, đặc biệt ở những người cao tuổi, người suy giảm miễn dịch và mắc các bệnh mạn tính kèm theo. Một số người nhiễm SARS-CoV-2 có thể biểu hiện nhẹ không rõ triệu chứng hoặc không có triệu chứng.
- Ca nghi ngờ mắc bệnh COVID-19: Là người có ít nhất một trong các triệu chứng: sốt, ho, khó thở, có thể viêm phổi và có yếu tố dịch tễ: đến/qua/ở/về từ quốc gia, vùng lãnh thổ có ghi nhận ca mắc COVID-19 hay vùng có ổ dịch hay tiếp xúc gần với ca bệnh xác định hoặc ca bệnh nghi ngờ trong vòng 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh hoặc về địa phương.
- Người tiếp xúc gần (F1, F2, F3, F4): Là người có tiếp xúc trong vòng 02 mét với ca bệnh xác định hoặc ca bệnh nghi ngờ trong thời kỳ mắc bệnh.
Một số nhóm người tiếp xúc gần:
- Người sống trong cùng hộ gia đình, cùng nhà, cùng phòng.
- Người trực tiếp chăm sóc, đến thăm hoặc người điều trị cùng phòng với ca bệnh xác định.
- Người cùng nhóm làm việc hoặc cùng phòng làm việc.
- Người cùng nhóm có tiếp xúc với ca bệnh: nhóm du lịch, công tác, vui chơi, buổi liên hoan, cuộc họp, lớp học, cùng nhóm sinh hoạt tôn giáo, cùng nhóm sinh hoạt câu lạc bộ, ngồi cùng hàng và trước, sau hai hàng ghế trên cùng một phương tiện giao thông (tàu, xe ô tô, máy bay, tàu thủy...),...
+F1: Là người có tiếp xúc gần trong vòng 2 mét hoặc trong cùng không gian kín tại nơi lưu trú, làm việc, cùng phân xưởng, học tập, sinh hoạt, vui chơi giải trí… hoặc trong cùng khoang trên phương tiện vận chuyển với F0 trong thời kỳ lây truyền của F0.
Thời kỳ lây truyền của F0 được xác định như sau:
Đối với F0 có triệu chứng: Trong khoảng thời gian từ 3 ngày trước khi khởi phát của F0 cho đến khi F0 được cách ly y tế. Thời điểm khởi phát của ca bệnh được tính là ngày có triệu chứng bất thường về sức khỏe đầu tiên mà bệnh nhân cảm nhận được, có thể là một trong các triệu chứng sau: mệt mỏi; chán ăn; đau người; gai người ớn lạnh; giảm hoặc mất vị giác, khứu giác; sốt; ho; đau họng...
Đối với F0 không có triệu chứng:
Nếu F0 đã xác định được nguồn lây: Trong khoảng thời gian từ khi F0 tiếp xúc lần đầu với nguồn lây cho đến khi F0 được cách ly y tế.
Nếu F0 chưa xác định được nguồn lây: Trong khoảng thời gian 14 ngày trước khi F0 được lấy mẫu xét nghiệm khẳng định dương tính cho đến khi F0 được cách ly y tế.
+F2: Là người tiếp xúc gần trong vòng 2 mét với F1 trong khoảng thời gian từ khi F1 có khả năng lây nhiễm từ ca bệnh (F0) cho đến khi F1 được cách ly y tế.
+F3: Là người tiếp xúc với F2.
+F4: Là người tiếp xúc với F3.
5. Hướng dẫn cách ly, xét nghiệm đối với các ca bệnh COVID-19(F0) và các trường hợp tiếp xúc gần (F1, F2, F3, F4)
- F0: được cách ly, điều trị tại các cơ sở điều trị của tỉnh Thái Bình quy định: Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh; Bệnh viện Phổi; Bệnh viện Phục hồi chức năng; Bệnh viện Nhi; Trường Đại học Thái Bình và các Bệnh viện trong tỉnh theo quy định; nếu bệnh nhân đông có thể cách ly, điều trị tại nhà theo quy định của BCĐ tỉnh, huyện, xã.
- F1: cách ly tại các khu cách ly tập trung hoặc tại nhà theo phân cấp, thời gian đủ 14 ngày kể từ ngày cuối cùng tiếp xúc với nguồn lây (như tiếp gần với F0 hoặc trong cùng không gian, khu vực, môi trường nơi có F0..); sau đó cách ly y tế tại nhà 14 ngày tiếp theo. Lấy mẫu xét nghiệm lần 1 khi bắt đầu vào cách ly, lần 2,3,4 vào các ngày 14, 20 và ngày cuối cùng cách ly y tế tại nhà.
- F2: cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú ngay khi được xác định, ghi nhận là F2, thời gian cách ly đảm bảo đủ 14 ngày kể từ ngày cuối cùng tiếp xúc với F1; sau đó theo dõi sức khỏe tại nhà 14 ngày tiếp theo. Lấy mẫu xét nghiệm ngay khi ghi nhận được. Trong trường hợp F1 được kết thúc cách ly tập trung và có xét nghiệm âm tính, F2 được xác định hết thời gian cách ly y tế tại nhà.
Những trường hợp được coi như F2 là không xác định được F1 cụ thể như: người về từ các bệnh viện có dịch, các vùng có dịch được công bố thì thực hiện cách ly thì cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú đủ 14 ngày tính từ thời điểm về tỉnh Thái Bình và được quản lý. Lấy mẫu xét nghiệm ít nhất 2 lần vào ngày được ghi nhận và ngày 14.
- F3, F4: tự theo dõi sức khỏe hàng ngày và thực hiện nghiêm các biện pháp PCD theo 5K của Bộ Y tế.
- Đối với các hoạt động cách ly tập trung cho người nhập cảnh và người về từ vùng dịch và bàn giao sau kết thúc cách ly về địa phương, thực hiện theo Công văn 5599/BYT-MT ngày 14/7/2021 của Bộ Y tế và Công văn số 725/SYT-NVY ngày 09/5/2021 của Sở Y tế Thái Bình.
6. Một số nguyên tắc về phòng và điều trị COVID-19
- Hiện nay, các biện pháp điều trị chủ yếu là điều trị hỗ trợ nâng thể trạng và điều trị triệu chứng. Biện pháp phòng bệnh chính là phát hiện sớm và cách ly ca bệnh, cách ly F1, F2.
- Thực hiện các biện pháp dự phòng bằng thực hiện 5 K + vắc xin + CNTT (cài đặt Bluzone, quét mã QR-Code, đăng ký tiêm chủng bằng “Sổ sức khoẻ điện tử”…).
7. Hướng dẫn các hoạt động PCD
- Hoạt động PCD tại cộng đồng: thực hiện theo Quyết định 3888/QĐ-BYT ngày 08/9/2020 của Bộ Y tế về việc ban hành Sổ tay Hướng dẫn PCD COVID-19 tại cộng đồng trong trạng thái bình thường mới.
- Hoạt động PCD tại các ổ dịch đang thực hiện phong tỏa:
+ Phong toả tại cộng đồng: Thực hiện theo Quyết định số 3986/QĐ-BYT ngày 16/9/2020 của Bộ Y tế.
+ Phong toả tại các cơ sở y tế: Thực hiện theo Quyết định số 1551/QĐ-BYT ngày 03/4/2020 của Bộ Y tế.
- Hoạt động PCD tại Doanh nghiệp: Thực hiện theo Công điện số 680/CĐ-TTg ngày 24/5/2021 của Chính phủ; Công văn số 5522/BYT-MT ngày 12/7/2021 về mẫu Kế hoạch PCD COVID-19 cho CSSXKD và mẫu cam kết PCD tại nhà trọ cho người lao động; Hướng dẫn số 58/HD-SYT ngày 29/6/2021 của Sở Y tế về Hướng dẫn Khung kịch bản diễn tập PCD COVID-19 khi có trường hợp mắc COVID-19 tại CSSXKD, Khu - Cụm CN tỉnh Thái Bình năm 2021.
- Hoạt động Đội đáp ứng nhanh: Thực hiện theo Quyết định số 5894/QĐ-BYT ngày 19/12/2019 của Bộ Y tế về Hướng dẫn thiết lập và vận hành Đội đáp ứng nhanh.
- Hoạt động cách ly:
+ Cách ly tập trung: Thực hiện theo Quyết định số 878/QĐ-BYT ngày 12/3/2020 của Bộ Y tế.
+ Cách ly y tế tại nhà: Thực hiện theo Quyết định số 879/QĐ-BYT ngày 12/3/2020 của Bộ Y tế và Công văn số 2742/SYT-NVY ngày 19/11/2021 của Sở Y tế về tổ chức cách ly y tế các đối tượng nguy cơ tại nhà, nơi lưu trú trong PCD COVID-19.
+ Cách ly vùng có dịch: Thực hiện theo Quyết định số 3986/QĐ-BYT ngày 16/9/2020 của Bộ Y tế.
- Khử trùng, xử lý môi trường: Thực hiện theo Quyết định số 1560/QĐ-BYT ngày 25/3/2020 của Bộ Y tế.
- Thành lập Trạm Y tế lưu động theo Quyết định 4042/QĐ-BYT ngày 21/8/2021 của Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn tạm thời mô hình Trạm Y tế lưu động trong bối cảnh dịch COVID-19; Quyết định 4377/QĐ-BYT ngày 11/9/2021 ban hành Sổ tay hướng dẫn triển khai các nhiệm vụ của Trạm Y tế lưu động.
- Nguyên tắc “3 trước” trong PCD gồm: Nhận diện, chủ động phòng, chống trước; Phát hiện, hành động, xử lý trước; Chuẩn bị phương án, vật tư trước;
- Phương châm “4 tại chỗ” trong PCD gồm: Lực lượng tại chỗ; Chỉ huy tại chỗ; Phương tiện tại chỗ; Hậu cần tại chỗ.
Phần 2. Một số biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh Thái Bình về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19
Từ khi có dịch COVID-19 xuất hiện, tỉnh Thái Bình triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 như sau:
- Lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành, đơn vị, địa phương thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị, Công điện, Văn bản của Chính phủ, Bộ Y tế và các Bộ, ngành về công tác phòng chống dịch COVID-19. Ban hành các Chỉ thị, Nghị quyết, Công điện, Văn bản khẩn trương, kịp thời, phù hợp với từng thời điểm dịch, đảm bảo nghiêm ngặt, giao rõ trách nhiệm cho người đứng đầu đơn vị, địa phương, doanh nghiệp và trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân, huy động mọi tầng lớp nhân dân tham gia phòng, chống dịch.Áp dụng các biện pháp cách ly, giãn cách xã hội toàn tỉnh hoặc cách ly, phong toả từng vùng phù hợp, hiện nay tỉnh đang chỉ đạo thực hiện theo NQ128/NQ-CP của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
- Xây dựng Kế hoạch, phương án phòng chống dịch COVID-19, chuẩn bị nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư, hoá chất, sinh phẩm, khoa lạnh, vắc xin cho công tác phòng chống dịch COVID-19.
- Tích cực tuyên truyền nhân dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình, tổ chức trong phòng chống dịch COVID-19, thực hiện 5K+ tiêm chủng; hành vi vi phạm pháp luật về PCD.
- Tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động phòng chống dịch COVID-19, triển khai Chiến dịch tiêm chủng và Kế hoạch tiêm chủng cho trẻ em 12-17 tuổi đảm bảo tiến độ, an toàn…
Phần 3. Một số nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh thời gian tới
Thời gian tới, công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của tỉnh Thái Bình tiếp tục thực hiện theo NQ 128/NQ-CP của Chính phủ thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong trạng thái “bình thường mới”:
- Huy động toàn hệ thống chính trị vào cuộc, thực hiện quyết liệt các biện pháp PCD COVID-19, xác định PCD là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách hàng đầu.
- Xây dựng chiến lược phòng, chống dịch căn cơ, lâu dài, bảo đảm chủ động theo phương án 04 tại chỗ, theo hướng nâng cao năng lực truy vết, cách ly, xét nghiệm. Thực hiện chiến lược xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm, hạn chế xét nghiệm diện rộng để tiết kiệm nguồn lực, trả kết quả nhanh nhất, khuyến khích người dân mua sinh phẩm tự làm xét nghiệm nhanh. Điều trị F0 tại các Bệnh viện, BV dã chiến, Trạm Y tế xã, Trạm Y tế lưu động, tại gia đình. Điều trị F0 nhẹ và không triệu chứng tại tuyến cơ sở, chỉ điều trị tại Bệnh viện các ca F0 có triệu chứng từ nặng trở lên. Triển khai Kế hoạch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 giai đoạn 2021 – 2022 của tỉnh và Kế hoạch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em 12-17 tuổi đúng tiến độ, đảm bảo an toàn.
- Các ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp chuẩn bị nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc, sinh phẩm, kế hoạch tiêm chủng vắc xin, Chốt kiểm soát, Khu cách ly, Khu phong toả, Khu điều trị…để kịp thời ứng phó với các tình huống dịch cấp bách xảy ra. Ban quản lý các Khu Kinh tế, Khu Công nghiệp, Doanh nghiệp của tỉnh lập danh sách phân loại, quản lý 03 loại (người tỉnh ngoài, nước ngoài đến tỉnh làm việc; người tại địa phương; khách, lái xe, người bốc vác… đến giao dịch), truy vết, quản lý kịp thời các trường hợp nguy cơ. Phát huy hiệu quả Tổ COVID tại doanh nghiệp để vừa PCD vừa đảm bảo sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Thực hiện tốt công tác PCD tại trường học, đơn vị, địa phương.
- Tăng cường công tác truyền thông, nhất là trên phương tiện thông tin đại chúng (Đài PTTH tỉnh, Báo Thái Bình, Đài TT-TH huyện, thành phố, Đài PT xã, phường, thị trấn, Bản tin nội bộ của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Bản tin Sức khoẻ Thái Bình, mạng xã hội (Website, Face book, Fanpage), Tuyên truyền lưu động…để nâng cao nhận thức của mọi người dân.
- Tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát công tác PCD COVID-19 của Ban Chỉ đạo PCD các cấp tại cộng đồng, các khu cách ly, điều trị, các điểm nguy cơ...
Phụ lục. Một số khẩu hiệu tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19
Thực hiện 5K: “Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế" để giữ an toàn cho Bạn và Chúng ta trước đại dịch COVID-19.
Khai báo y tế là trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng.
Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.
Hạn chế tụ tập đông người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách 2 m khi tiếp xúc người khác.
Đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, tại các nơi công cộng và trên các phương tiện giao thông công cộng.
Người từ vùng có dịch bệnh trở về, những người hết thời gian cách ly về địa phương sinh hoạt phải theo dõi sức khỏe và khai khai báo y tế theo quy định.
Khi có các trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19, cần liên hệ theo đường dây nóng theo số điện thoại: Bộ Y tế: 1900.9095; Ngành Y tế tỉnh Thái Bình: 02273.640.786. Trung tâm KSBT tỉnh Thái Bình: 02273.836.722, 02273.831.885.
Toàn dân tăng cường công tác phòng,chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona.
Không tập trung đông người để tránh lây nhiễm dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona.
Luôn luôn che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi bằng khăn vải hoặc khăn tay để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.
Hãy bảo vệ sức khỏe bạn và người khác, không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng, tránh tiếp xúc gần với các loại động vật nuôi và hoang dã.
Hãy bảo vệ sức khỏe bạn và người khác, chỉ sử dụng các loại thực phẩm chín.
Giữ ấm cơ thể, vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc họng bằng nước sát khuẩn để phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona.
Duy trì tập thể dục mỗi ngày để nâng cao sức đề kháng phòng,chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona.
Để bảo vệ sức khỏe của bạn và người khác, tránh tiếp xúc với người bị ho, sốt, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, tránh chạm tay vào mắt, mũi, miệng.
Thực hành an toàn thực phẩm, không ăn thịt động vật ốm hoặc chết.
Nếu thấy có dấu hiệu bị ốm khi đi lại, du lịch, thông báo ngay cho nhân viên hàng không, đường sắt, ô tô và tìm đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt.